Ngày 17-18/3/2022 tại thành phố Bắc Giang, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ toàn quốc 2022 để tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo địa phương năm 2021, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và những năm tiếp theo.
Hội nghị cũng là dịp để tăng cường kết nối, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp hoạt động giữa các đơn vị trong Bộ Khoa học và Công nghệ, các Sở Khoa học và Công nghệ để cùng hướng tới mục tiêu chung là triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả cao, khoa học và công nghệ đóng góp nhiều hơn nữa cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tham dự Hội nghị có đ/c Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; các đ/c Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: Trần Văn Tùng, Phạm Công Tạc, Bùi Thế Duy; Giám đốc, Phó Giám đốc của 63 Sở Khoa học và Công nghệ của các tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, các cán bộ quản lý công tác ở các địa phương của các Sở Khoa học và Công nghệ.
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: Năm 2022 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, là năm tăng tốc triển khai kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025. Ngày 08/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Trong các Nghị quyết này, nội hàm về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được đề cập nhiều. Chính phủ đã coi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là giải pháp đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Đồng thời ở cả trong 2 Nghị quyết đó, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ nói riêng và ngành khoa học và công nghệ nói chung rất nhiều nhiệm vụ phải tập trung triển khai thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị với chuyên đề Triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030: Một số kết quả bước đầu và định hướng trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí đã nhấn mạnh một số kết quả nổi bật sau khi triển khai thực hiện Chiến lược. Cụ thể là: (i) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT đã được trình xin ý kiến Chính phủ tháng 6/2021, trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai tháng 10/2021 và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ ba tháng 5/2022; (ii) Ngày 24/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2205/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; (iii) Về đẩy mạnh công tác xử lý đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp, tính trung bình hai năm triển khai Chiến lược 2020-2021, số lượng đơn đăng ký xác lập quyền SHCN được xử lý là 73.194 đơn/năm, tăng gấp gần 2 lần so với trung bình giai đoạn 2016-2019, số đối tượng văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp được cấp là 43.564 văn bằng/năm, tăng gấp 1,4 lần so với trung bình giai đoạn 2016-2019; (iv) tăng cường hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài, năm 2021, vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận đã trở thành 02 chỉ dẫn địa lý đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ tại Nhật Bản.
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí phát biểu tại Hội nghị
Cũng tại hội nghị các đại biểu đã được nghe các ý kiến về việc triển khai Nghị quyết số 01 và số 02/NQ-CP của Chính phủ, nhằm đưa ra các giải pháp cụ thể về khoa học và công nghệ thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; những vấn về khoa học và công nghệ các địa phương; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; thúc đẩy hình thành tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ; cơ chế khuyến khích thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động đầu tư nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất kinh doanh; triển khai xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương; … Từ đó tập trung trao đổi, thảo luận tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp phát triển khoa học và công nghệ cho giai đoạn tiếp theo.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ sẽ tiếp thu, xử lý các ý kiến của các địa phương. Bộ trưởng cho biết, năm 2022 ngành khoa học và công nghệ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi. Từ đây đến cuối nhiệm kỳ này, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua 4 luật nữa (Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Năng lượng nguyên tử). Bộ trưởng mong muốn lãnh đạo các Sở Khoa học và Công nghệ quan tâm, chỉ đạo việc tham mưu cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong việc tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình triển khai các luật trên, cũng như đề xuất, kiến nghị các quy định cần đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung. Đây là việc quan trọng, tạo hành lang, cơ sở pháp lý cho hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nhiều năm tới. Ngoài ra, Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đang được Chính phủ xem xét sớm ban hành nên các địa phương quan tâm thực hiện ngay trong năm nay bằng các kế hoạch, đề án cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng tỉnh, thành phố.
Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức thí điểm tính Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh ở một số địa phương, có tính đại diện cho cả 7 vùng kinh tế của cả nước. Việc tính toán này không chỉ là xếp hạng giữa các tỉnh, thành phố, mà còn là công cụ để mỗi tỉnh biết được điểm mạnh, điểm yếu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng tỉnh để có căn cứ cải thiện các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Bộ trưởng cũng cho biết, tháng 4 năm nay, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ báo cáo Bộ Chính trị Đề án phát triển công nghệ sinh học cho giai đoạn tới. Dự kiến Trung ương sẽ ban hành một nghị quyết riêng về nội dung này. Đây là một trong những chủ trương lớn của Trung ương trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, nên các Sở Khoa học và Công nghệ địa phương cần tham mưu các tỉnh, thành ủy tổ chức triển khai Nghị quyết này sau khi được ban hành. Ngoài ra, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chọn năm 2022 là Năm quốc tế khoa học cơ bản vì phát triển bền vững. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì tổ chức Ngày hưởng ứng Ngày đổi mới sáng tạo thế giới (21/4 hằng năm). Bộ trưởng đề nghị các Sở Khoa học và Công nghệ quan tâm đến hai sự kiện này để chủ trì tổ chức ở các địa phương hiệu quả, tiết kiệm, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Phòng Pháp chế và Chính sách
ipvietnam.gov.vn