ĐĂNG KÝ GIỐNG CÂY TRỒNG

1. Tài liệu nộp đơn đăng ký bảo hộ 
  • Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;
  • Ảnh chụp, tờ khai kỹ thuật theo mẫu quy định;
  • Giấy uỷ quyền, nếu đơn được nộp thông qua đại diện;
  • Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người đăng ký là người được chuyển giao quyền đăng ký;
  • Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
  • Chứng từ nộp phí, lệ phí.
2. Lưu ý.
1. Mỗi đơn chỉ được đăng ký bảo hộ cho một giống cây trồng
2. Đơn đăng ký bảo hộ và các giấy tờ giao dịch giữa người đăng ký và cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng phải được làm bằng tiếng Việt, trừ các tài liệu sau đây có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng yêu cầu:
  • Giấy uỷ quyền;
  • Tài liệu chứng minh quyền đăng ký;
  • Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên;
  • Các tài liệu khác để bổ trợ cho đơn.

3. Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên của đơn đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng gồm:
  • Bản sao đơn hoặc các đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan nhận đơn;
  • Giấy chuyển giao, thừa kế, kế thừa quyền ưu tiên, nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác.

4. Tiếp nhận đơn đăng ký bảo hộ, ngày nộp đơn
  • Đơn đăng ký bảo hộ chỉ được cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng tiếp nhận khi có đủ các tài liệu quy định.
  • Ngày nộp đơn là ngày đơn được cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng tiếp nhận.

5. Thẩm định hình thức đơn đăng ký bảo hộ
1. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng thẩm định hình thức đơn trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đơn để xác định tính hợp lệ của đơn.
2. Đơn đăng ký bảo hộ được coi là không hợp lệ trong các trường hợp sau đây:
  • Đơn không đáp ứng các yêu cầu về hình thức theo quy định;
  • Giống cây trồng nêu trong đơn không thuộc loài cây trồng có tên trong Danh mục loài cây trồng được bảo hộ;
  • Đơn do người không có quyền đăng ký nộp, kể cả trường hợp quyền đăng ký thuộc nhiều tổ chức, cá nhân, nhưng một hoặc nhiều người trong số đó không đồng ý thực hiện việc đăng ký.

6. Công bố đơn đăng ký bảo hộ
  • Trường hợp đơn được chấp nhận hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng công bố đơn hợp lệ trên tạp chí chuyên ngành về giống cây trồng trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày đơn được chấp nhận.
  • Nội dung công bố đơn gồm số đơn, ngày nộp đơn, đại diện (nếu có), người đăng ký, chủ sở hữu, tên giống cây trồng, tên loài cây trồng, ngày đơn được chấp nhận là đơn hợp lệ.  

7. Sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký bảo hộ
1. Trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng thông báo từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng hoặc quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng, người đăng ký có các quyền sau đây:
  • Sửa đổi, bổ sung đơn nhưng không được làm thay đổi bản chất đơn đăng ký bảo hộ;
  • Yêu cầu ghi nhận thay đổi tên, địa chỉ của người đăng ký;
  • Yêu cầu ghi nhận thay đổi người đăng ký do chuyển nhượng đơn theo hợp đồng hoặc thừa kế, kế thừa; 
2. Người yêu cầu thực hiện các thủ tục quy định tại khoản 1 phải nộp phí, lệ phí. 

8. Rút đơn đăng ký bảo hộ
  • Trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng quyết định cấp hay từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng, người đăng ký có quyền rút đơn đăng ký bảo hộ. Yêu cầu rút đơn phải được lập thành văn bản. 
  • Từ thời điểm người đăng ký rút đơn đăng ký bảo hộ, mọi thủ tục tiếp theo liên quan đến đơn đó bị chấm dứt; các khoản phí, lệ phí đã nộp liên quan đến những thủ tục chưa bắt đầu tiến hành được hoàn trả theo yêu cầu của người đăng ký. 

9. Cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng
Trong trường hợp đơn đăng ký bảo hộ không bị từ chối theo quy định và người đăng ký nộp lệ phí thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ.

Khiếu nại việc cấp hoặc từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng 
  • Người đăng ký và bất kỳ người thứ ba nào đều có quyền khiếu nại quyết định cấp hoặc từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng.
  • Việc giải quyết khiếu nại quyết định cấp hoặc từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.